Được học thử
Cam kết chất lượng
Email

giasutainangtre.vn@gmail.com

Tư vấn 24/7

090.333.1985 - 09.87.87.0217

Học khiêu vũ tại nhà

Khi bạn bè và người thân từ các nước châu Âu,  châu Mỹ, hay ngay cả từ Việt nam qua Úc chơi, tôi thường mời họ đi nghe nhạc và khiêu vũ tại các Club như Cabravale Digger, Mounties, Mekong, Dooleys v.v. và ai cũng ngạc nhiên vì khiêu vũ và nghe nhạc ở Sydney không tốn tiền.

Các bạn chưa từng vào các Club để nghe nhạc và khiêu vũ, chắc cũng ngạc nhiên như những du khách đến từ các nước khác. Vâng đúng vậy, ở Sydney chúng ta đến các Club vui chơi thoải mái mà không phải trả tiền, ngoại trừ tiền rượu bia hay nước ngọt mà chúng ta uống.

Nếu chúng ta uống nước đá lạnh do Club cung cấp thì hoàn toàn miễn phí. Tại Cabravale Digger Club, ta có thể uống chocolate, coffee, trà, lemonade v.v. có sẵn trong máy bán tự động. Nếu chúng ta có thẻ Hội viên của Cabravale Digger thì được miễn phí tới 4 ly nước, lấy từ máy bán tự động. Các Clubs bỏ tiền thuê mướn ban nhạc, ca sĩ, trình diễn miễn phí cho chúng ta nghe, với hi vọng lôi kéo chúng ta thường xuyên đến Clubs, trước để nghe nhạc, khiêu vũ, sau nữa để ăn uống và cờ bạc. Xem qua các bảng tường trình về tài chánh hàng năm (annual finance report), tôi thấy có vài Club bị lỗ lã phần giải trí (entertainment), nhưng bù lại họ lời nhiều ở phần cờ bạc và phần nhà hàng ăn uống. Ở đây chúng tôi chỉ mong các bạn đến Club để nghe nhạc và khiêu vũ, nên tránh xa khu vực cờ bạc.

 

Khiêu vũ tốt hay xấu về mặt đạo đức:

 

– Một vỉ nhân có nói “Vạn pháp duy tâm tạo” nghĩa là mọi sự việc trong vũ trụ này đều do Tâm con người tạo ra. Một người có tâm trong sáng thì khiêu vũ là một môn nghệ thuật tốt đẹp. Người có tâm địa xấu thì khiêu vũ là môn chơi dễ đưa con người đến tình trạng hủ hoá. Như một con dao, nằm trong tay bà nội trợ, nó là một dụng cụ nhà bếp hữu dụng, nhưng nếu nằm trong tay một kẻ hung ác, thì nó sẽ trở thành vũ khí gây thương tích và chết người.

– Những năm gần đây, tôi ngạc nhiên khi thấy rất đông người Hoa và người Việt gốc Hoa, già trẻ lớn bé, nam cũng như nữ, đổ xô nhau đi học và thực hành môn khiêu vũ. Người gốc Hoa chiếm đa số tại sàn nhảy, trong các Club khiêu vũ quanh các thành phố nội ô Sydney như Petersham, Ashfield, Marrickville, Auburn, Lidcombe hay xa hơn như Punchbowl, Lakemba, Canley Vale, Cabramatta v.v.. Họ cũng chiếm đa số trong các Hội Cao Niên, cũng như trong các nhóm khiêu vũ sinh hoạt tại các Hall thuê mướn của Hội đồng Thành phố (Councils).

– Tôi ngạc nhiên là vì trong khi người Việt vẫn duy trì đạo đức Khổng Mạnh “nam nữ thọ thọ bất thân” thì người Hoa vứt bỏ cái đạo đức cổ hủ đó và họ đã tung tăng trên sàn nhảy để giữ gìn sức khoẻ.

 

Khiêu vũ có lợi gì?.

 

– Với kinh nghiệm bản thân, tôi xin nói khiêu vũ là một môn thể dục rất tốt. Với khiêu vũ chúng ta phải sử dụng cả thân và tâm (body and mind). Vì học khiêu vũ thì phải nhớ bước đi, nhớ động tác tay và chân, từ bước căn bản cho đến những phăng trung cấp, cao cấp (chữ phăng đọc trại từ tiếng Pháp fantaisie, tiếng Anh fantasy hay figure). Ta phải nhớ đi phăng nào trước phăng nào sau, theo một thứ tự bài bản (thường gọi là variation, routine) cho đến hết bài nhạc. Đồng thời phải vận động tay chân và thân mình theo điệu nhạc.

 

– Báo Daily Telegraph có đăng một bài viết của ký giả Phillipa Walsh với tựa đề Dancing could save your life. Ngay phần nhập đề, bà viết “Doctors will prescribe dancing, gardening and lawn mowing to patients under a plan to improve exercise rates and make Australians fitter not fatter” (tạm dịch: Bác sĩ sẽ ghi trong toa cho bệnh nhân là phải khiêu vũ, làm vườn, cắt cỏ, trong một kế hoạch nhằm khuyến khích tăng mức độ tập thể dục và làm cho dân Úc khoẻ hơn chứ không phải mập hơn). Chắc là phải có lý do chính đáng, khi bà Phillipa Walsh liệt kê “khiêu vũ” là một môn vận động trong “toa thuốc” mà các bác sĩ phải ghi cho bệnh nhân, để gia tăng sức khoẻ.

 

– Các lợi ích cụ thể của khiêu vũ:

 

1) Đốt cháy năng lượng dư thừa: với 15 phút khiêu vũ các điệu sôi động (như Cha Cha, Jive, Bebop, Samba v.v.) chúng ta tiêu thụ hơn 100 calories. Trong khi đạp xe đạp 15 phút, chỉ mất có 74 calories.

 

2) Giúp tim vận động tốt hơn: Khiêu vũ liên tục 4 -5 bài nhạc (khoảng 20 phút) sẽ giúp tăng sức khoẻ và độ dẻo dai cho trái tim. Đặc biệt điệu Luân vũ (Valse, hay Viennese Waltz) giúp cho trái tim khoẻ mạnh.

 

3) Khiêu vũ là một môn thể dục tuyệt vời để tăng cường độ dẻo dai cho các cơ bắp. Khiêu vũ phối hợp vận động tất cả các bắp thịt của tay, chân, hông, đùi. Giúp tạo thăng bằng khi di chuyển, dù nhanh hay chậm, tạo dáng đi, dáng đứng đúng cách.

 

4) Khiêu vũ giúp xương trở nên chắc chắn hơn, đặc biệt là những xương chịu lực như xương ống chân, ống quyển và xương đùi, và cũng giúp làm chậm quá trình loãng xương. Bơi lội tuy có tốt cho toàn thân, nhưng lại không tốt  nhất cho các xương chịu lực như là bộ môn khiêu vũ, vì khi ta xuống nước thì trọng lượng cơ thể đã được nước nâng lên.

 

5) Khiêu vũ giúp các khớp xương khoẻ hơn, đặc biệt làm bớt đau nhức khớp xương đầu gối. Tuy nhiên lưu ý quý vị lớn tuổi, không nên nhảy các bước quá năng động như Jive, Quickstep, Samba v.v. Những điệu này đòi hỏi nhiều về bouncing (nhún nhảy, bật nẩy) dễ bị đau khớp gối.

 

Khiêu vủ có hại gì?.

 

– Khiêu vũ tạo cơ hội cho tình cảm bất chính.

Khiêu vũ là một cơ hội giúp cho nam nữ tiếp xúc và quen biết nhanh chóng. Ngày xưa khi còn đang theo học đại học, chúng tôi thường tham dự các buổi khiêu vũ mừng sinh nhật, mừng Chúa giáng sinh, mừng Năm mới v.v. Vào tiệc, không cần phải quen biết trước, chỉ sau một lời giới thiệu hay một lời chào hỏi, là mời nhau ra sàn nhảy. Thế là được ôm ấp người đẹp trong vòng tay. Đó là thời còn độc thân.

Khi đã lập gia đình, trên sàn nhảy, nhiều người Việt nam chỉ khiêu vũ với người phối ngẫu. Nếu có một nhóm bạn thân, thì có thể đổi cặp (trao đổi partners) để khiêu vũ. Nhưng cũng tuỳ theo điệu nhạc, với các bản nhạc muồi mẫn như điệu Slow đòi hỏi phải ôm nhau khắng khít, thì chỉ nên nhảy với vợ. Còn với những điệu tình tứ như Rumba, Tango v.v. khi ôm nên giữ khoảng cách, nếu partner không phải là vợ mình. Nói như vậy để chúng ta biết khiêu vũ cũng tạo cơ hội cho nam nữ ôm ấp nhau, dễ đưa đến ngoại tình.

 

– Khiêu vũ còn tạo cơ hội cho vợ chồng gây lộn.

Mười cặp vợ chồng học khiêu vũ thì hết chín cặp cứ gây nhau hoài, vì người này đổ thừa, đổ lỗi cho người kia nhảy sai. Khi cải nhau về bước nhảy (không biết ai đúng ai sai) tốt hơn nên ngưng bước nhảy đó hay ngưng bài nhảy đó. Cố gắng giữ hoà khí, sau đó sẽ hỏi lại vũ sư, hay coi lại phim DVD dạy nhảy, hoặc các bài tập khiêu vũ do vũ sư biên soạn (trong các bài tập có ghi tên bước nhảy, thí dụ tên bước là Sweet-heart, đi như thế nào, nam đi chân nào, tới hay lui, nữ đi chân nào v.v.).

Nên nhớ khiêu vũ để vui chơi, để giữ gìn sức khoẻ. Ai cũng có lúc quên, có lúc sai. Vũ sư cũng có lúc nhảy sai, ngay cả khi biểu diễn trên sàn. Do đó đừng quan trọng hoá vấn đề mà làm mất hạnh phúc gia đình.

Tôi biết có một cặp, bà vợ học khiêu vũ rất nhanh, rất thuộc bài. Trong khi ông chồng thì lù khù, học bài sau quên bài trước. Cuối cùng hai người phải bỏ cuộc chơi (bỏ học khiêu vũ) để tránh đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

 

– Khiêu vũ tạo hố ngăn cách giữa vợ chồng.

Đó là trường hợp vợ thích khiêu vũ mà người chồng không thích, hay ngược lại. Sống trong xã hội Tây phương, mỗi người đều có quyền theo đuổi sở thích riêng của mình. Do đó tôi đã gặp nhiều trường hợp trớ trêu. Có nhiều ông đi nhảy một mình, lý do vợ nhà không thích (các bà nói già rồi còn ôm xà nẹo, nhảy nhót, coi chướng mắt).

Có nhiều cô trên sàn nhảy là Mẫu đơn (bà mẹ đơn chiếc), vì ông chồng có sở thích khác (đánh mạt chược, trồng bonsai v.v.) và không đi theo vợ. Cứ đi chơi riêng lẻ như vậy, lâu dần tình cảm vợ chồng có phần phai lạt. Cho nên, tốt nhất là hai người có cùng một đam mê, một sở thích.

 

– Khiêu vũ cũng có nguy hiểm về an toàn cá nhân.

Trong các Club (ngày xưa ở Sài gòn thường gọi là Night Club hay vũ trường) cũng có những vụ đánh nhau, đâm nhau hay bắn nhau. Lý do có thể là giành chỗ ngồi, giành đào, ghen tuông, thù hận.

Chúng ta không quên cô vũ nữ Cẫm Nhung bị một Trung tá phu nhân tạt acid vào mặt. Một ông Thiếu tá người Việt đã bắn một sĩ quan Mỹ trong vũ trường Tháp ngà. Tuy nhiên, các tai nạn như thế có thể xảy ra ở bất cứ đâu, chứ không riêng gì nơi sàn nhảy. Suốt những năm đi nhảy ở Sài gòn, từ 1963 cho đến năm 1975, tôi chưa hề gặp một tai nạn gì.

Trong những năm khiêu vũ ở Sydney, tôi chỉ gặp một lần phải bỏ dở cuộc vui, vì có alarm báo động lửa cháy. Chúng tôi theo hướng dẫn của nhân viên an ninh, di chuyển ra bên ngoài khu an toàn, thì thấy xe cứu hoả đến làm việc. Một lúc sau mới biết đó là báo động giả, vì có người vào nhà vệ sinh hút thuốc, khói bay làm kích hoạt alarm.

Một người bạn thân kể lại, một đêm anh và bạn bè đi nhảy ở một Club. Nửa chừng thì tên bay đạn lạc, có hai nhóm thanh toán nhau bằng súng đạn, khiến anh và các bạn bò chui xuống gầm bàn và may mắn thoát nạn. Do đó hiện nay có Club gắn thiết bị dò tìm vủ khí, và khám xét dân chơi khi đi vào vũ trường. Các Club còn thuê mướn nhiều nhân viên an ninh, theo dõi động thái của khách hàng, để giữ gìn an ninh và an toàn cho khách.

 

– Khiêu vũ tại các Club dễ đưa đến nạn cờ bạc. Điều này cũng thường xảy ra, do đó xin có một lời khuyên, chúng ta chỉ đến Club để giải trí vui chơi, nghe nhạc khiêu vũ, tuyệt đối không ghé qua khu cờ bạc để thử thời vận.

 

Lược sử môn khiêu vũ.

 

– Vào thời cổ xưa, khiêu vũ là một phần, một nghi thức trong các buổi tế lễ. Nơi các hang động thời tiền sử và gần hơn, trong các Kim tự tháp Ai cập, đều có khắc vẽ hình ảnh các vũ công hay hình nhân với các động tác nhảy múa.

Tự điển Wikipedia có viết “Dance has certainly been an important part  of ceremony, rituals, celebrations and entertainment since before the birth of the earliest human civilizations” (tạm dịch: Chắc chắn khiêu vũ là một phần quan trọng của các lễ lạc, nghi thức, lễ kỷ niệm và các buổi giải trí, trước khi xuất hiện những nền văn minh sớm nhất của nhân loại).

 

– Người Pháp đã mang bộ môn khiêu vũ tây phương vào Việt nam dưới thời Pháp thuộc, do đó người Việt thường gọi khiêu vũ là “nhảy đầm”. Dưới thời cựu hoàng Bảo Đại, phong trào khiêu vũ phát triển rầm rộ. Ba mẹ tôi, dì dượng tôi, là những thân chủ trung thành của các vũ trường Kim sơn, Văn cảnh, Tháp ngà v.v. Đến khi cụ Ngô đình Diệm thành lập nền đệ nhất Cộng hòa năm 1955, chính phủ do cụ làm Tổng thống đã đóng cửa các vũ trường và cấm khiêu vũ. Dạo đó chúng ta chỉ có phòng trà ca nhạc mà thôi.

Mãi cho đến năm 1963, khi các tướng lãnh đảo chánh lật đổ nền đệ nhất Cộng hoà, các vũ trường được phép mở cửa lại và phong trào khiêu vũ một lần nữa bành trướng mạnh mẻ, với các vũ trường mọc lên như nấm. Bên cạnh đó, còn có nhiều Câu lạc bộ (CLB) như CLB Quân cụ, CLB Hải quân, CLB Không quân Huỳnh hữu Bạc v.v. để dân chơi tha hồ bay nhảy.

 

– Sau biến cố 30 tháng 4, nhiều triệu người Việt di tản ra nước ngoài, đã mang theo các bước nhảy Sài gòn đến khắp sàn nhảy trên thế giới. Tại Sydney cách nay hơn 20 năm, chúng ta có hai vũ trường ở Cabramatta. Vào cửa phải đóng tiền. Về sau, các Clubs rầm rộ mở sàn nhảy, mời ban nhạc và ca sĩ Việt nam trình diễn, vào cửa miễn phí. Khi đã hội nhập vào nền văn hoá của các nước tạm dung, một số dân chơi bắt đầu học các bước nhảy Ballroom, Latin, New Vogue và Line Dancing (sẽ nói thêm chi tiết các điệu nhảy này ở phần sau).

 

Học khiêu vũ như thế nào?

 

Về cá nhân người học: Muốn học khiêu vũ, chúng ta cần có một số điều kiện tối thiểu. Sở thích + năng khiếu + kiến thức về nhạc + thời giờ + tiền bạc (mua giày nhảy, đóng học phí cho vũ sư v.v). Xin mở ngoặc ở đây để nói qua về năng khiếu và kiến thức. Kiến thức về nhạc thì chỉ cần các bạn thích nghe tân nhạc, nếu biết ca Karaoke càng tốt. Từ từ các bạn sẽ phân biệt điệu nhạc nào là Rumba, điệu nào là Cha Cha v.v.

 

Có nhiều bạn dù đã lả lướt trên sàn nhảy một thời gian khá lâu, nhưng vẫn chưa tự tin, chưa nhận biết các điệu nhạc, thì cũng có cách để biết. Có thể hỏi các bạn ngồi cùng bàn, những người đã có nhiều năm đi nhảy, nhiều năm kinh nghiệm. Hoặc có thể nhìn trên sàn nhảy, đa số dân chơi đang nhảy điệu gì, thì mình sẽ ra sàn nhảy và nhảy theo điệu đó. Tôi nói đa số, là vì cùng một điệu nhạc có thể có nhiều điệu nhảy khác nhau. Thí dụ 1, khi ban nhạc chơi bản Slow, sẽ có ít nhất ba điệu nhảy. Đa số sẽ nhảy điệu Slow bebop (gọi tắt là Slow bop), vài người cao cấp hơn sẽ nhảy theo điệu Boston (Waltz), cũng có vài cặp lớn tuổi nhảy theo điệu Slow muồi như thời trước năm 1975 ở Sài gòn. Thí dụ 2, khi ban nhạc chơi một bản Cha Cha, có thể có ba điệu nhảy trên sàn, điệu Cha Cha, điệu Bebop và điệu Jive.

 

Còn năng khiếu thì xin lỗi, nếu bạn đã từng trải qua các quân trường, đã từng biết đi diễn hành với nhịp đếm 1 là chân trái, 2 là chân phải, thì bảo đảm bạn đã có năng khiếu khiêu vũ.

 

Về các trường phái:

Hiện nay trong các vũ trường quanh Sydney, có các trường phái khiêu vũ kể sau: trường phái Việt nam (hay là bước Sài gòn), trường phái Quốc tế (gồm hai nhóm Ballroom và Latin), trường phái New Vogue và Old-time, trường phái Line dancing.

 

– Trường phái Sài gòn gồm các bước nhảy, các điệu nhảy, đã có ở thủ đô Sài gòn trước năm 1975. Các điệu này bao gồm Rumba, Cha Cha, Tango, Paso Doble, Bebop, Slow, Boston (Waltz) và Valse (Viennese Waltz), về sau có thêm các điệu nhạc trẻ như Disco, Rock and Roll, Twist. Tại các Club có ban nhạc và ca sĩ Việt nam, họ chỉ chơi các điệu này. Đúng nguyên tắc, thì ban nhạc và ca sĩ phải trình diễn theo Tour, nghĩa là phải chơi theo thứ tự các điệu như sau: Paso Doble, Cha Cha, Rumba, Slow, Bebop, Tango, Boston, Valse. Hết một tour nhạc như vậy, thì bắt đầu một tour nhạc mới cũng theo đúng thứ tự kể trên, bắt đầu là Paso Doble và chấm dứt là Valse, nếu không có thêm các bài theo điệu nhạc trẻ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ít có ban nhạc nào theo đúng nhạc tour như vậy. Ca sĩ Việt nam thường chỉ hát các bài thuộc điệu Rumba, Cha Cha, Slow và Disco, và trong kho tàng tân nhạc Việt, có lẽ các bài theo điệu Rumba chiếm đa số tuyệt đối. Ước mong rằng nhạc trưởng các ban nhạc và những người tổ chức dạ vũ lưu ý hơn về nhạc tour.

 

Nếu quý bạn không có cao vọng, chỉ muốn biết vài bước nhảy để tiêu cơm trong các tiệc cưới, để giao tế xã hội, hay chỉ đi chơi loanh quanh trong các Club ở miền Tây Sydney, thì chỉ cần theo trường phái Sài gòn là đủ. Mặc dù hiện nay (năm 2010) đang có phong trào theo học trường phái Quốc tế. Tuy nhiên tại các Club như Cabravale Digger, Mounties, Mekong v.v. sàn nhảy nhỏ, dân chơi đông, do đó chỉ có thể nhảy theo bước Sài gòn (bước Quốc tế đòi hỏi sàn rộng, người thưa).

 

– Trường phái Quốc tế chia ra hai nhóm Ballroom (còn gọi là International Standard) và Latin (International Latin). Nhóm Ballroom gồm có năm điệu phổ thông là Waltz (Boston), Viennese Waltz (Valse), Tango, Foxtrot và Quickstep. Nhóm Latin gồm có năm điệu phổ thông là Samba, Cha Cha, Rumba, Paso Doble, Jive.

Một khi đã nhuần nhuyển với các bước Sài gòn, nếu quý bạn muốn nâng cấp, bước thêm bước nữa trên đường nghệ thuật, thì hãy theo học trường phái Quốc tế. Một lời khuyên, khi đã biết cả hai bước nhảy Sài gòn và Quốc tế, quý bạn nên cố giữ gìn cả hai, đừng để quên trường phái nào hết. Khi gặp sàn nhảy chật, ta nhảy bước Sài gòn, khi gặp sàn nhảy rộng rãi, ta đi bước Quốc tế.

 

– Trường phái New Vogue và Old-time. New Vogue là trường phái khiêu vũ đặc biệt do người Úc biên soạn từ năm 1930, cải tiến từ trường phái Old-time (Classical) đã có từ đầu thập niên 1900 ở Luân đôn, Anh quốc. Trường phái New Vogue và Old-time có cả trăm bài nhảy khác nhau, và bắt buộc chúng ta phải nhảy thuộc lòng, không được thêm bớt, sửa đổi. Tất cả các cặp trên sàn nhảy, đứng theo vòng tròn, và tất cả đều phải khiêu vũ giống nhau, từ bước chân cho đến động tác tay. Họ di chuyển ngược chiều kim đồng hồ và vòng quanh sàn nhảy.

Ngay cả các bậc thầy, cũng không thuộc hết các điệu New Vogue và Old-time. May mắn thay tại các vũ trường ở nội ô Sydney, người ta chỉ thường chơi khoảng 30 bài phổ thông.. Trong bài viết này tôi xin dùng tên New Vogue để gọi chung trường phái New Vogue và Old-time, bởi vì dân chơi ở Sydney vẫn thường gọi tắt như vậy.

Các bài nhảy New Vogue cũng dựa theo các điệu nhạc Tây phương như điệu Slow Foxtrot (thí dụ bài Carousel), điệu March (bài Gypsy tap), điệu Viennese Waltz (bài Swing waltz), điệu Tango (bài La Bomba).

 

– Trường phái Line Dancing: Đây là các bước nhảy dân gian (folk dances) bắt nguồn từ các quốc gia vùng Balkan (Albania, Bulgaria, Greece v.v.). Về sau, được các vũ sư Tây phương cải biến thành trường phái Line Dancing hay Line Dance. Người nhảy Line Dancing không bắt cặp nam nữ, không ôm nhau. Họ xếp thành hàng dài, một hàng, hai hàng hay cả chục hàng tuỳ số người tham gia. Cùng ngó mặt về một hướng và cùng nhảy giống nhau từ bước chân cho đến động tác tay (Line dancing cổ điển có những bài mà người nhảy đứng đối diện nhau, hay xếp vòng tròn, hoặc xếp hàng rồng rắn theo đuôi một người leader).

Hàng năm, nước Úc có tổ chức một đại nhạc hội Country Music tại thành phố Tamworth (tiểu bang NSW) dịp này họ có trình diễn nhảy Line dancing. Năm 2011 đại nhạc hội sẽ kéo dài từ ngày14 đến ngày 23 tháng Giêng năm 2011.

Thành phố Tamworth đã ghi vào Guinness Book thành tích World’s Largest Line Dancing, liên tục sáu năm, từ 1997 đến 2002 (với 6744 người tham dự trong một bài nhảy). Sau đó, chức vô địch lần lượt rơi vào tay các quốc gia Singapore (11,967 người), Hong Kong (12,168 người) và Atlanta Mỹ (17,000 người tham dự).

Line dancing cũng có những bài nhảy theo các điệu nhạc Cha Cha, Rumba, Valse, Disco v.v.

 

Tóm lại, bước đầu học khiêu vũ, các bạn có thể học bước Sài gòn, bước quốc tế (Ballroom và Latin). Còn các bài Line Dancing và New Vogue có thể học chơi cho biết, chứ không cần thiết. Lý do là vì tại các Club với ban nhạc và ca sĩ Việt, dân chơi không khiêu vũ theo hai trường phái này.

Theo kinh nghiệm bản thân, các bạn nên học bước Sài gòn trước, vì dễ học, dễ nhảy và sàn nhảy các Club ở miền Tây Sydney cũng không đủ chỗ cho các bước Quốc tế. Sau khi thành thạo và tự tin với bước Sài gòn, các bạn có thể học qua một vài bước quốc tế phổ thông.

Thông thường, ở những vũ trường có ban nhạc và ca sĩ Việt nam, trước giờ trình diễn (thường là 8 – 9pm) và giữa giờ, ban tổ chức có để nhạc CD (lúc ban nhạc nghỉ break). Theo yêu cầu của một số dân chơi chuyên nghiệp, trong CD có vài bản nhạc theo các điệu quốc tế như Foxtrot, Quickstep, Samba, Salsa. Đây là lúc sàn nhảy tương đối trống, vì không có ban nhạc và ca sỉ trình diễn, nên dân chơi có dịp ôn tập các điệu quốc tế này.

 

Vũ sư và các trường lớp:

– Trong bài viết này, tôi xin dùng chữ vũ sư để gọi chung tất cả quý vị có mở lớp dạy vũ, dù họ có chứng chỉ hành nghề, bằng cấp hay không. Theo tôi biết thì tại Sydney từ thập niên 1990 đến nay, chúng ta có hơn 20 vũ sư người Việt đã và đang hành nghề. Đa số dạy bước Sài gòn, vài vị dạy bước quốc tế. Một số vũ sư người Hoa và Việt gốc Hoa, dạy quốc tế và New Vogue. Các vũ sư Tây (xin gọi chung các vũ sư người Úc, các vũ sư gốc châu Âu, Nam Mỹ và Phi luật Tân là vũ sư Tây) cũng dạy bước quốc tế, New Vogue và Line dancing.

 

– Vũ sư cũng có năm bảy hạng. Bỏ qua không bàn về tư cách và tánh tình cá nhân, tôi chỉ nói về chức nghiệp. Có vũ sư chỉ rành bước Sài gòn, có vũ sư chỉ rành bước quốc tế. Riêng trong một trường phái như Sài gòn, hay quốc tế, không phải vũ sư nào cũng nhảy được và đẹp tất cả các điệu trong trường phái đó. Nghĩa là có thầy sở trường một hai điệu này và sở đoản mấy điệu khác. Lấy một thí dụ, điệu luân vũ Valse (Viennese Waltz) có trong cả giáo trình của bước quốc tế và bước Sài gòn, nhưng một vài vũ sư khi nhảy điệu Valse lại sợ bước Reverse turn. Do đó để chọn một vũ sư tương đối nhảy được và đẹp tất cả các điệu trong một trường phái mà mình muốn học, các bạn hãy hỏi thăm những người đã kinh qua các thầy các lớp, hay chính bản thân bạn phải mục kích các vị thầy này khiêu vũ trên sàn nhảy với đủ mọi thể điệu. Nếu bạn không ngại tốn kém tiền bạc và thời gian, có thể bạn phải học vũ sư này điệu nhảy này, rồi học vũ sư khác điệu nhảy khác, tức là tìm học hết sở trường của các vũ sư!

– Học phí thay đổi tuỳ thầy, tuỳ khoá học, và nơi học. Nói chung, đây cũng là một nghề để kiếm tiền, do đó bạn phải cố gắng tìm một vị thầy có lương tâm. Khoá học riêng cho một người hay một cặp (private lesson) giá cả có thể dao động từ 20 đô một giờ (vũ sư Việt) cho đến 100 đô một giờ (vũ sư Tây). Khoá học nhóm (group lesson) giá cả dao động từ 5 đô đến 20 đô một giờ.

Có vũ sư dạy bao, thí dụ vài ba trăm đô cho toàn khoá học, gồm 5-6 điệu nhảy đủ để đi chơi và thời gian học tuỳ thầy trò thương lượng. Có vũ sư tính tiền theo khoá học có quy định thời gian, thí dụ 800 đô cho khoá học 40 giờ, học được nhiều hay ít, tuỳ thuộc mức độ thu thập của học viên.

Có vũ sư dạy từng thể điệu, thí dụ 100 đô cho một điệu (Rumba, hay Cha Cha, hay Tango v.v) và mỗi điệu nhảy sẽ gồm chừng 5 bước đi, từ bước căn bản đến các phăng (fantaisie/fantasy/figure).

 

– Nơi học có thể là nhà riêng của học viên, của vũ sư, hay tại một Club, một Hall có sàn nhảy. Thông thường, khoá học nhóm được tổ chức tại các hội Cao niên, các Club (như RSL club) hay các Hall của Council. Ở đó, lớp dạy thường kéo dài một giờ, các giờ sau dành cho thực hành và khiêu vũ tự do.

Nếu các bạn còn đang đi làm, thời gian để học khiêu vũ chỉ có vào buổi tối hay cuối tuần, bạn có thể chọn các lớp học riêng với vũ sư, hay học nhóm. Hiện nay (tháng 6 năm 2010) có các lớp học nhóm sau đây, xin mời vào các websites liên hệ để biết rõ chi tiết.

 

Tại các địa điểm học nhóm, khi bạn mới vào học, trình độ của lớp đang dạy có thể hơi cao đối với người mới bắt đầu. Phải một thời gian khá lâu, bạn mới bắt kịp. Thông thường, khi dạy nhóm, một vài vũ sư dạy rất nhanh và sơ sài, với chủ đích để lôi kéo học trò về nhà học lớp riêng, với học phí cao hơn. Do đó khi đã vào lớp học nhóm, nếu bạn thấy thích ông bà thầy đứng lớp và muốn học riêng (private lesson) thì hãy hỏi thẳng vị vũ sư của lớp đó.

 

Nếu các bạn đã về hưu, hoặc có thời giờ rảnh rang, các bạn có thể theo học các lớp ban ngày, tại các Hội Cao niên hay các hội quán sau đây. Sáng thứ hai, hội Cao niên Canterburry có lớp dạy tại thư viện Lakemba (vũ sư người Úc). Sáng thứ ba và thứ tư, hội quán PCYC Cabramatta (vũ sư người Việt). Sáng thứ ba, thứ năm và thứ sáu, tại PCYC Burwood v.v. Tại các nơi này, bạn chỉ đóng tiền vào cửa khoảng 3-4 đô, bao gồm cả uống trà, cà phê, học và thực hành khiêu vũ.

 

Nếu quý bạn muốn học một cách nghiêm túc, có lớp lang bài bản, có thi cử lên lớp và có chứng chỉ, thì có hai cách học. Một là tìm đến vũ sư Úc để xin học lớp riêng và nhờ họ hướng dẫn đi thi. Hai là tìm đến các lớp dạy nhóm do Dancesport tổ chức. Tại Dooleys Catholic Club (đối diện ga xe lửa Lidcombe) có lớp Dancesport dạy vào thứ Tư và chủ nhật hàng tuần, với ba trình độ beginner, intermediate và advanced.

Ngoài ra, trong các báo tiếng Anh, kể cả báo local, có nhiều quảng cáo về các lớp dạy khiêu vũ do các vũ sư Tây phụ trách. Những vị thầy này cũng có thể hướng dẫn các bạn dự thi lấy chứng chỉ, nếu quý bạn muốn.

Đây chỉ là vài địa điểm để quý bạn tìm hiểu, nếu thích hợp thì theo học. Chúng tôi không quảng cáo cho thầy nào, lớp nào, và cũng không dám bảo đảm rằng đây là những nơi lý tưởng, thích hợp cho quý bạn bắt đầu sự nghiệp khiêu vũ.

 

Những cách học khác:

– Học bạn bè: Tục ngữ Việt Nam có câu “Học thầy không tầy học bạn”. Nếu các bạn may mắn có được bạn bè biết khiêu vũ với nhiều năm kinh nghiệm, thì tại sao không nhờ họ dẫn dắt mình?  Một căn phòng rộng có lót gạch bông hay sàn gổ, và một máy CD player là đủ để trở thành một studio dạy nhảy. Học bạn bè có cái lợi là miễn phí và đỡ bị stress. Cái gì không biết, không hiểu thì cứ hỏi. Học tập nhẫn nha, thoải mái, không bị hạn chế bởi thời gian như các khoá học với vũ sư.

 

– Học từ màn ảnh Tivi hay Computer: Nếu các bạn đã có một số vốn căn bản trong khiêu vũ, các bạn có thể nâng cao trình độ với những băng và dĩa dạy khiêu vũ. Các băng và dĩa có bày bán trên thị trường, hay có thể mua online với các vũ sư quốc tế.

Ngoài ra, quý bạn có thể truy cập vào Internet, thí dụ trang You Tube. Trong đó có vô số bài dạy khiêu vũ do các vũ sư Việt nam và quốc tế trình bày. Chọn bài dạy nào vừa với trình độ của mình (Sơ cấp Bronze, Trung cấp Silver, hay Cao cấp Gold), down load xuống máy computer của mình, rồi đốt ra dĩa CD hay DVD để học.

Quy luật sàn nhảy:

Môn chơi nào cũng có quy luật riêng của nó. Khiêu vũ cũng có những quy luật thành văn hay bất thành văn, mà dân chơi nên tôn trọng, để tạo khung cảnh ấm cúng vui vẻ chung cho mọi người.

– Phép lịch sự. Người đi khiêu vũ không những phải lịch sự với partner của mình, mà còn phải lịch sự với người chung quanh. Trong vũ trường, không nên cười nói ồn ào, nhậu nhẹt li bì, làm phiền toái người khác. Trên sàn nhảy, chuyện đụng chạm, đạp chân nhau rất dễ xảy ra. Khi đó, chúng ta hãy lịch sự mỉm cười và xin lỗi nhau, không cần biết ai có lỗi, để bảo đảm cuộc vui được trọn vẹn.

– Nguyên tắc di chuyển. Với các điệu nhảy phải di chuyển vòng quanh sàn nhảy (Progressive dance) nguyên tắc là phải đi ngược chiều kim đồng hồ, như trong các điệu Valse, Samba, Quickstep … và các bài New Vogue. Khi đang nhảy, nếu bạn quên bài bản (nhất là trong các bài New Vogue) lập tức phải né ra khỏi dòng nhảy để không cản trở người khác.

Các điệu nhảy quốc tế sau đây thường được xem là nhảy tại chỗ (Spot dance) không cần phải di chuyển quanh sàn, như Rumba, Cha Cha, Jive, Mambo, Salsa.

– Khi nhạc đang chơi và có người khiêu vũ, nếu bạn phải di chuyển vì lý do riêng (quên bước nhảy muốn trở về bàn, đi mua nước uống, đi toilet v.v.) bạn không được băng ngang sàn nhảy, gây trở ngại cho các cặp khác, mà phải di chuyển sát ngoài rìa sàn nhảy, hay trên lối đi bên ngoài sàn.

– Trường hợp sàn nhảy đông người, không nên múa may tay chân quá rộng quá xa, dễ đụng chạm người khác, nhất là khi bạn đi bước quốc tế. Khiêu vũ trên một sàn nhảy đông người cũng giống như lái xe trên đường lộ bị kẹt xe vào giờ cao điểm.

– Người lãnh đạo. Trên sàn nhảy, giữa hai người đang khiêu vũ, không có chuyện bình quyền (In partner dancing, the two dance partners are never equal. One must be the Lead and the other will be the Follow). Phái nam là leaders, phái nữ là người chịu sự hướng dẫn (follow leaders), trừ trường hợp một nữ vũ sư dẫn dắt một nam học viên đang thực tập. Khi nam học viên thuộc bài nhảy, thì chính anh là người leader, dù anh đang khiêu vũ với bà thầy.

Bạn hãy tưởng tượng một chiếc xe hơi có hai người lái với hai tay lái khác nhau, đó là trường hợp khiêu vũ mà cả hai người đều là leaders !!!. Trên sàn nhảy, người nữ tin tưởng và phụ thuộc vào người nam, sẽ giúp cho các bước đi và động tác khiêu vũ trở nên nhẹ nhàng, dịu dàng và hợp nhất, thí dụ khi thực hiện các động tác tay, động tác vai (shoulders lead) và các động tác xoay người (Contra Body Movement). Nói như vậy không có nghĩa là người nữ hoàn toàn thụ động. Phải có sự đồng cảm, tương tác giữa hai người và đặc biệt người nữ là đôi mắt sau ót của người nam, họ phải báo cho người nam biết các chướng ngại phía sau lưng người nam, như sắp đụng phải một cặp khác. Dĩ nhiên, để xứng đáng là một leader, người nam cần phải thuộc bài và biết “dắt đào”.

 

Bước nhảy đẹp:

– Trong đầu tư địa ốc, có ba điều cần ghi nhớ, đó là “location, location và location”. Trong khiêu vũ, để nhảy đẹp, cũng có ba nguyên tắc, đó là “practice, practice và practice”. Bạn phải tập dợt thường xuyên, ít ra mỗi tuần một hai lần, thì mới thuộc bài và tự tin trên sàn nhảy. Khi đã thuộc bài, thì cần luyện tập dáng dấp. Thuộc bước nhảy là điều quan trọng, nhưng chính dáng nhảy mới tạo cho bạn bước nhảy đẹp. Tại sao cũng cùng một bước nhảy, một điệu nhảy, mà có người nhảy đẹp, có người nhảy xấu, đó chính là cái dáng.

– Có vũ sư khi bắt đầu, dạy thật kỷ về dáng, chứ không dạy nhiều về các phăng. Tức là dáng trước, phăng sau. Lối dạy này chậm và mất nhiều thời giờ, nên một số học viên không thích. Có vũ sư không chú ý về dáng, chỉ dạy bước đi và nhiều phăng, để học trò mau có đủ vốn mà tung ra sàn nhảy. Từ từ, học viên sẽ sửa lại dáng của mình.

– Điều kiện để nhảy đẹp còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, như có một partner ăn ý, thường tập dợt chung với mình. Có một ngày vui vẻ, với khung cảnh vũ trường thơ mộng, và cũng cần có ca sĩ và nhạc sĩ chuyên nghiệp (nếu khiêu vũ với nhạc sống).

– Khuyết điểm chung của các ban nhạc và ca sĩ Việt nam là trình diễn các bài hát không đúng Tempo (độ nhanh của bài nhạc). Các bài Rumba, Boston, Valse v.v. thường được hát quá chậm, đến độ khó mà nhảy đẹp. Thí dụ bài nhạc Boston theo tiêu chuẩn là từ 84 beats per minute, nhưng các ban nhạc Việt chơi không đến 70 bpm. Nhạc khiêu vũ trong CD tương đối chuẩn hơn về độ nhanh, nhịp điệu. Do đó các tay chơi cao cấp thích khiêu vũ với nhạc CD hơn.

– Cũng tùy trình độ khiêu vũ của mình mà chọn bài để nhảy. Thí dụ, đôi khi gặp bài Valse nhanh quá, sức mình nhảy không kịp thì đừng ra sân. Điệu luân vũ mà nhảy nhanh và quay nhanh, vừa không đẹp vừa nguy hiểm cho mình và cho người chung quanh. Còn nếu nhảy không kịp mà vẫn cứ nhảy, thì chắc chắn bị sai nhịp.

 

Kết luận: Cụ Nguyễn Du đã nói “nghề chơi cũng lắm công phu”. Thật vậy, môn chơi nào cũng đòi hỏi nhiều thời gian, công sức để học hỏi và luyện tập cho đến mức thượng thừa. Biển học mênh mông, tuổi đời và sức người có hạn, hiểu biết của một cá nhân chỉ là hạt cát trong sa mạc tri thức của nhân loại. Hơn nữa, theo đuổi bộ môn khiêu vũ trong nhiều năm qua, chúng tôi không mong gì hơn là vào cuối đời vẫn có được một tinh thần minh mẫn, trong một thân thể tráng kiện.

 

Do đó bài viết này chỉ nhằm mục đích trình bày một số ý niệm căn bản trong nghệ thuật khiêu vũ. Chúng tôi mong quý bạn đọc lượng thứ cho những sai sót và rất hoan nghênh các ý kiến đóng góp, bổ khuyết, để cùng nhau học hỏi và tiến bộ.

Bài viết liên quan

Hướng dẫn làm hình bong bóng   Tạo hình bong bóng nghệ thuật là một loại hình giải trí mới có…
Dạy Cajon tại nhà Trống cajon là một loại nhạc cụ thuộc bộ gõ gồm 6 mặt tạo thành như…
Gia sư tiếng việt cho người Hàn:   + Tiếng Việt đi du lịch, chuyên ngành( tập trung vào trung…
Gia sư cho học sinh lớp 7 Đội ngũ gia sư của chúng tôi hiện nay đã lên đến hơn…
Xuất xứ từ Ấn Độ, YOGA từ lâu được biết đến là bộ môn diệu kỳ cho cơ thể. Với…
Gia sư tiếng Hàn ( Gia sư tiếng việt cho người Hàn )
Giáo viên của trung tâm tiếng Hàn Tài Năng Trẻ nhận gia sư tiếng Hàn tại nhà cho học sinh, sinh…